Mái ấm cho người neo đơn ở Ninh Thuận - Làng Chăm Ninh Thuận

Làng Chăm Ninh Thuận

Làng Chăm Ninh Thuận là một trang Blog

Mái ấm cho người neo đơn ở Ninh Thuận

: đã xem bài

Một buổi ăn trưa của người neo đơn, cơ nhỡ tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu.
NDĐT - Đó là cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu, do ông Trần Châu, 64 tuổi, ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận thành lập năm 2004, nhận nuôi dưỡng, điều trị bệnh cho trẻ mồ côi, người già, người mắc bệnh tâm thần… không nơi nương tựa. Đến nay, đã có 110 người phục hồi trí nhớ, trở về với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi đến cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu (Cơ sở), nằm sâu trong một con hẻm nhỏ phía sau nhà thờ Quảng Thuận, thôn La Vang 2, xã Quảng Sơn.
Ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là cơ sở tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng “tương thân tương ái”, 23 năm qua, ông Trần Châu cùng sáu người giúp việc đã hết lòng nuôi dưỡng hàng trăm mảnh đời bất hạnh, không có giấy tờ tùy thân, không có lý lịch, không hộ khẩu và nhiều người không nhớ cả tên của mình.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Võ Văn Nghĩa cho biết: “Cơ sở này được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy phép hoạt động năm 2004. Nhiều năm qua, trở thành chỗ dựa cho hàng trăm người neo đơn, người mắc bệnh tâm thần trong tỉnh và ngoài tỉnh”.
Ông Trần Châu cho biết: “Chúng tôi đang nuôi dưỡng 58 người già và trẻ em. Trong đó có nhiều người mắc bệnh tâm thần; bại liệt. Do họ không có tên, nên tôi tạm lấy họ Trần của mình rồi gắn với những cái tên như: Huy, Hiếu, Thành,… cho dễ xưng hô. Chính từ chỗ không có tên, không có hộ khẩu cụ thể, nên Cơ sở không làm được hồ sơ để cho họ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước”.
Ông Trần Châu ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già vào những bữa ăn để điều chỉnh, bảo đảm dinh dưỡng phù hợp với người già.
Để duy trì hoạt động, ông Trần Châu tự bỏ kinh phí và vận động những nhà hảo tâm giúp sức để chăm lo chỗ ăn, ở, quần áo…. tươm tất cho mỗi người ở đây. Qua 23 năm tận tụy với công việc đầy tính nhân văn, Cơ sở đã điều trị cho 110 người mắc bệnh tâm thần được phục hồi trí nhớ, trở về với người thân, gia đình và tái hòa nhập cộng đồng. Khi có người cao tuổi, bệnh tật nặng… qua đời, ông Trần Châu đều lo an táng, xây mộ tại nghĩa trang của thôn.
Ông Trần Châu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau xót xảy ra cách đây chục năm nhưng đã tiếp thêm động lực cho ông quyết tâm xây dựng Cơ sở thật sự là nơi chia cơm, chia áo cho người lang thang, cơ nhỡ. Đó là anh Trần Huy, một người câm bẩm sinh và mắc bệnh ung thư gan, không có người thân, không tên, không chứng minh thư, đi lang thang khắp nơi và được người dân tại tỉnh Bình Thuận đưa ra trung tâm, và được ông Châu đặt tên là Trần Huy. Anh Huy sống tại đây được bốn năm thì mất. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, anh Huy nhìn ông với ánh mắt như bày tỏ sự cảm ơn mối ân tình mà ông đã tận tâm chăm sóc, chữa trị bệnh cho anh những năm qua; hai khóe mắt anh rơi lệ rất xúc động và bỗng nhiên cất tiếng gọi to, rõ tên ông rất thắm thiết.
Ông Tôn Thất Mỹ, 63 tuổi, đã sáu năm đảm nhận công việc chăm sóc, vệ sinh cũng như lo chuyện ăn, ở, sinh hoạt cho những cụ già nam và các em nhỏ khuyết tật không tự chủ được hành vi, chia sẻ: “Những người ở đây có tâm tính khác nhau, nên phải kiên trì, nhẫn nại tiếp xúc, trò chuyện mới hiểu được về họ, từ đó mới có giải pháp thích hợp khi chăm sóc cũng như quản lý. Từng tiếp xúc với nhiều người mắc bệnh tâm thần, tôi hiểu được sự vất vả khi chăm sóc họ. Tuy vậy, tôi rất yêu thích công việc, vì đã đóng góp được chút ít cho xã hội.
Ông Trần Châu vốn là giáo viên, gia đình có truyền thống hành nghề thuốc nam, nên từ lúc nhỏ đã được truyền dạy nghề “bốc” thuốc chữa một số bệnh viêm xoang, phù thận, thần kinh, bại liệt… miễn phí. Sau khi khỏi bệnh, có nhiều người đã âm thầm gửi trả tiền thuốc để cảm ơn. Đến năm 1995, số tiền ấy lên đến 30 triệu đồng. Thấy số tiền quá lớn, ông đã đem lên xã nhờ xã nhận để giúp đỡ người nghèo. Nhưng xã từ chối, thế là ông quyết định dùng số tiền đó mua đất, xây nhà, mua chăn màn để giúp những người lang thang, cơ nhỡ có nơi nương tựa cho đến nay.
Trong khi trò chuyện với những người giúp việc tại Cơ sở, chúng tôi tình cờ gặp được vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung, ở phường Đài Sơn, TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) đến đây thăm và tặng quà cho Trung tâm. Chị Nhung khiêm tốn nói: “Những đóng góp của vợ chồng tôi trong mười năm qua, chỉ là việc nhỏ như hạt cát trên sa mạc. Lần đầu tiên đến đây, thấy những người khuyết tật, người “điên” mình thương lắm. Họ đã thiệt thòi nhiều khi bị người thân bỏ rơi, nên cần lắm những tấm lòng nhân ái giúp đỡ, nhất là những em nhỏ mới chào đời đã mắc những chứng bệnh về thần kinh và bị cha bỏ rơi, may mắn được Trung tâm cưu mang, nuôi dưỡng. Thế là vợ chồng mình thường đóng góp hỗ trợ”.
Trẻ em cơ nhỡ đang được nuôi dưỡng tại cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu.
Không chỉ nuôi dưỡng, trong quá trình chăm sóc, theo dõi, hễ thấy trẻ em nào có khả năng phục hồi tốt, Trung tâm dồn sức kèm cặp, dạy dỗ và tạo điều kiện cho đi học văn hóa. Nhờ đó, nhiều em vượt qua sự tủi thân, tự ti để vươn lên. Qua giới thiệu của ông Trần Châu, chúng tôi có cuộc trao đổi qua điện thoại với anh Nguyễn Xuân Hoàng, 29 tuổi, ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn. Anh Hoàng xúc động, kể: “Mẹ tôi gửi tôi vào Trung tâm từ lúc còn nhỏ. Nhờ tấm lòng nhân ái của các bác, các chú đã nuôi dưỡng và hỗ trợ kinh phí cho tôi được đi học từ lớp 1 cho đến khi thi đậu vào Trường cao đẳng Đông Á. Tôi đã đỗ tốt nghiệp và đang làm việc mấy năm qua tại một Công ty In ở TP Hồ Chí Minh. Tôi không bao giờ quên công ơn cao như trời, sâu rộng như biển lớn đó”.
Tại Trung tâm có hai em đang theo học lớp 12 và lớp 6. Cùng với đó, ông Châu và các thiện nguyện viên nơi đây đang dạy đọc, dạy viết cho hai cậu bé để chuẩn bị vào học lớp 1. Chúng tôi rất thán phục sự cần mẫn của họ trong việc âm thầm gieo niềm tin, hy vọng tốt đẹp về tương lai cho các em lang thang, cơ nhỡ.
Đối với những người bị tâm thần, ngoài việc tổ chức điều trị bằng thuốc nam, theo dõi sức khỏe định kỳ, Cơ sở luôn cử nhân viên theo dõi trò chuyện, áp dụng điều trị bằng các liệu pháp tâm lý… với hy vọng mang lại cho họ cơ may trở về cuộc sống của một con người bình thường.
Ông Trần Châu tâm sự: “Sau 23 năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp nhiều, rất mong được tỉnh quan tâm hỗ trợ để sửa chữa, nâng cấp để Cơ sở có điều kiện duy trì hoạt động. Nếu có được sự hỗ trợ của tỉnh và mạnh thường quân, sẽ giúp chúng tôi vượt qua để tiếp tục hoạt động tốt hơn”.
Chị Lê Thị Tâm chăm sóc chị Na tại Cơ sở.
Trước lúc chia tay ông Châu và các cộng sự của Cơ sở lúc giữa trưa, dưới cái nắng nóng gay gắt, chúng tôi chợt nghe rõ những tiếng kêu ú ớ của chị Na, người bị liệt toàn thân, bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc nhỏ và được Cơ sở nuôi dưỡng đến nay, chị Lê Thị Tâm – người chăm sóc cho chị Na suốt 20 năm qua, rất hiểu ngôn ngữ của chị Na qua những cử động, phản ứng, cảm xúc của cơ thể, nói: “Em Na nằm liệt trên giường, nhưng rất nhạy cảm trong ứng xử khi tiếp xúc và tôi luôn hiểu được những cảm xúc đó mỗi khi em Na ăn cơm, uống thuốc...".
“Những tiếng kêu ú ớ ấy là tiếng gọi Ba ơi! Mẹ ơi! mà em thường cất lên mỗi ngày như bày tỏ lòng cảm ơn đối với những người đã tận tình chăm sóc cho Na như người thân trong gia đình trong suốt mấy chục năm qua”, chị Lê Thị Tâm nói.

No comments:

Post a Comment

Tieu de 2 Tieu de 2 Tieu de 4
Tieu de 4
Tieu de 4
Liên kết or Quảng cáo

QUẢNG CÁO DƯỚI BÀI VIẾT