Nằm ở cực Nam Trung Bộ, tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển năng động, Ninh Thuận tuy là tỉnh nhỏ nhưng lại hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Ninh Thuận được thiên nhiên ưu đãi vừa có biển vừa có núi và các loại hình phương tiện giao thông đa dạng. Những thế mạnh của Ninh Thuận nếu được đầu tư, khai thác đúng mức sẽ sớm được đánh thức để phát triển cùng cả nước.
Hệ sinh thái tự nhiên đa dạng
Ninh Thuận có hệ sinh thái rừng, biển đa dạng, biển Cà Ná dài khoảng 3 km nằm sát đường quốc lộ 1A, có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua. Biển Cà Ná xanh, độ mặn cao hơn vùng biển khác gấp nhiều lần, là điểm đến thú vị bởi núi, rừng và biển nằm song song với nhau. Biển Ninh Chử có chiều dài khoảng 10 km, nước biển trong xanh, bờ biển bằng phẳng hình cánh cung. Ngoài ra, còn có biển Bình Tiên, Bình Sơn và Vịnh Vĩnh Hy với những bãi tắm đẹp.
Vườn Quốc gia Núi Chúa với phong cảnh thiên nhiên đẹp, là nơi bảo tồn các loại động vật và thực vật quý hiếm. Các điểm đến như suối Lồ Ô, suối Tiên, Hang Rái, khu bảo tồn rùa biển và các sản phẩm mỹ nghệ thủ công của dân tộc Raglay. Vườn Quốc gia Phước Bình là nơi bảo tồn nhiều loại cây gỗ quý. Có thể nói, rừng Phước Bình còn nguyên sinh, thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành, mát dịu. Nằm cách thành phố Phan Rang -Tháp Chàm khoảng 70 km, Vườn Quốc gia Phước Bình có khu bảo tồn giống hoa lan rừng, khu bảo tồn bò tót và di tích bẫy đá gắn liền với Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân người Raglay Pi Năng Tắc (1910 - 1977) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước. Thác nước có dòng chảy quanh năm như Thác Bay (huyện Thuận Nam), Thác Đá Bàn, Thác Đá Đen, Thác Chapơ (huyện Bác Ái).
Ninh Thuận có lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước. Để chủ động trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Nhà nước xây dựng nhiều công trình hồ, đập để trữ nước vào mùa mưa và điều tiết nước vào mùa khô hạn. Các hồ, đập ngoài chức năng tích trữ nước còn là những điểm du lịch sinh thái vui chơi thú vị như hồ sông Sắt (Bác Ái), hồ Tân Giang, hồ sông Biêu (Thuận Nam).
Ninh Thuận nổi tiếng là vùng nắng nóng nhất cả nước. Nơi đây hình thành nên những đồi cát sa mạc hóa thích hợp với loại hình du lịch trải nghiệm, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan như đồi cát Nam Cương nằm gần làng Chăm Bini ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước; đồi cát Mũi Dinh ở làng Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Đi qua những cồn cát là tới ngọn Hải Đăng, được xây dựng từ thời Pháp thuộc giúp tàu thuyền hoạt động trên biển khơi cập bến được an toàn
Sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù
Từ cái nắng, nóng và gió hanh hao của tiết trời, Ninh Thuận là nơi có diện tích trồng nho lớn nhất cả nước. Sản phẩm quả nho không chỉ để ăn, để bán cho khách du lịch mà còn được chế biến thành rượu vang mang hương vị đặc trưng riêng của vang nho Ninh Thuận. Ngoài nho, táo Ninh Thuận có vị ngọt và giòn được tiêu thụ mạnh trong tỉnh và ngoài tỉnh. Các vườn nho, vườn táo ở Ninh Thuận có sức thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan.
Măng tây xanh mới du nhập vào Ninh Thuận trong vài năm gần đây. Đây là loại “rau sạch” thích hợp với thổ nhưỡng nắng nóng, được trồng theo kỹ thuật tưới nước tiết kiệm và không sử dụng thuốc hóa học. Ngoài ra, hành, tỏi, nha đam cũng là nông sản tạo nên thương hiệu trên thị trường. Các vật nuôi như dê, cừu được chăn thả trên các cánh đồng, vùng đồi núi, ngoài cung cấp nguồn thịt, còn là điểm nhấn du lịch trải nghiệm cho du khách hóa thân làm dân du mục theo chân các con vật trên các cánh đồng
Ninh Thuận có 2 làng nghề thủ công được cả nước biết đến là làng dệt vải thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp và làng gốm mỹ nghệ Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Nghề dệt thổ cẩm và nghề làm gốm gắn liền với đời sống tâm linh của người Chăm. Ngoài đáp ứng nhu sinh hoạt hằng ngày, sản phẩm vải thổ cẩm và gốm là mặt hàng không thể thiếu trong dịp tổ chức các lễ hội, lễ nghi tôn giáo. Là những đại diện tiêu biểu cho sản phẩm thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.
Di sản văn hóa Chăm một điểm nhấn thu hút khách du lịch
Ninh Thuận là một trong những tỉnh còn bảo tồn di sản văn hóa Ấn Độ ở miền Trung Việt Nam. Người Chăm xây dựng tháp để thờ các vị thần Ấn giáo và các vị vua có công lao được phong thần hóa để thờ phụng trên các đền tháp.
Tháp Hòa Lai xây dựng từ thế kỷ IX, có nét kiến trúc độc đáo với những đường nét chạm khắc trực tiếp lên tường gạch như hình ảnh chim thần Garuda, hình tượng thần Ganesa và hoa lá rất xinh động. Tháp Po Klaong Garai được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII đầu thế kỉ XIV để thờ vua Po Klaong Garai qua hình tượng Mukhalinga. Tháp Po Ramê xây dựng từ thế kỷ XVII, là ngọn tháp cuối cùng của nền văn minh Champa. Đền tháp là nơi người Chăm tổ chức các lễ hội văn hóa và thực hành các nghi thức tôn giáo. Tháp Chăm có giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật là điểm đến để trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh.
Người Chăm sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng ở Ninh Thuận có người Chăm đông nhất. Hiện nay, người Chăm còn bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Quá trình cộng cư với các dân tộc khác, người Chăm có sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa Việt, Hoa, Chu Ru và Raglai. Những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa Chăm vẫn còn lưu truyền thể hiện ở trang phục, lễ hội, ứng xử văn hóa gia đình, ngôn ngữ và các công trình kiến trúc tôn giáo.
Hằng năm, người Chăm tổ chức rất nhiều lễ hội ở đền tháp, lễ hội ở các gia tộc và lễ hội của cộng đồng. Mỗi lễ hội có tính chất, ý nghĩa khác nhau. Đây là dịp người Chăm thể hiện các tinh hoa văn hóa truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có lễ hội Katê và lễ hội Ramâwan thu hút đông đảo khách du lịch đến với Ninh Thuận.
Nguồn: baodantoc.vn
No comments:
Post a Comment