Khám phá làng nghề thổ cẩm của đồng bào Chăm
Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là một làng nghề với hơn 90% dân số sống bằng nghề dệt. Đến với vùng đất thổ cẩm người Chăm ở Ninh Thuận, bạn sẽ bị cuốn hút bởi sức hấp dẫn của nơi đây.
Thuần
chất thiên nhiên
Làng Chăm Mỹ Nghiệp, hay làng Chăm Irahani là làng nghề cổ cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về phía Nam theo Quốc lộ 1A. Cùng với làng gốm Bàu Trúc, đây được xem là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Nét độc đáo của làng nghề cổ này chính là việc người dân dệt vải theo cách thủ công truyền thống, không hề sử dụng máy móc, bảo lưu gần như nguyên vẹn các công đoạn ông bà để lại như: Chất liệu, hoa văn, bí quyết phối màu hay màu nhuộm.
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề dệt thổ cẩm xuất hiện ở làng Mỹ Nghiệp từ rất lâu, vào thế kỷ X. Ông tổ nghề dệt là ông Sha Mú Cha Leng và bà Xa đã đến ngôi làng này. Chính ông là người đã sáng tạo nên nghề dệt thổ cẩm rồi truyền cho con cháu cho đến ngày nay.
Nghệ nhân Thuận Thị Trụ cho biết: “Để dệt được một tấm vải thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn như: Tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống rất vất vả…”.
Công đoạn chọn màu đã khó, nhưng công đoạn phối màu còn khó hơn. Để tạo được những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người thợ dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối… như những họa sĩ thực thụ, có như vậy mới tạo nên sự hài hòa, cân đối cho tấm vải. Mỗi nghệ nhân lại sáng tạo theo một phong cách khác nhau, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm Chăm vô cùng phong phú.
Hấp dẫn khách du lịch
Hiện nay làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là một điểm đến không thể thiếu trong tất cả các tour du lịch đến Ninh Thuận. Đến thăm làng Mỹ Nghiệp, du khách sẽ thực sự bị cuốn hút bởi những tấm thổ cẩm sống động đầy màu sắc lạ, vừa chân phương, vừa mộc mạc, bởi chất liệu và cách thể hiện đường nét, hoa văn… mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Chăm.
Điểm độc đáo là mỗi tấm thổ cẩm đều có những nét riêng cho dù cùng được dệt bằng đôi bàn tay tài hoa của một người thợ. Song, điều khiến bạn ngạc nhiên hơn cả, đó là- nếu ở các làng nghề thổ cẩm khác, công việc chính là do các bà, các mẹ, các chị đảm nhiệm, thì ở đây hầu hết những người thợ dệt đều là thanh niên, con gái ngồi khung kéo sợi, còn con trai cắt, may thành sản phẩm.
Du khách được tận mắt chứng kiến những người phụ nữ Chăm cần mẫn luồn từng sợi chỉ dệt thổ cẩm, có khi mất mấy ngày mới xong một sản phẩm. Nếu muốn, bạn sẽ được chạm vào những chiếc hoa đồng có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược, được treo hai bên khung dệt, giúp người thợ đánh go tạo hoa văn khi dệt thổ cẩm.
Nguồn: Tổng hợp
No comments:
Post a Comment