Tín ngưỡng thờ thần hoàng Po Haniim Par ở làng Chăm Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận - Làng Chăm Ninh Thuận

Làng Chăm Ninh Thuận

Đọc 1 bài viết là bạn đã cổ vũ tinh thần cho tác giả

Tín ngưỡng thờ thần hoàng Po Haniim Par ở làng Chăm Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận

: đã xem bài

 



Người Chăm theo tín ngưỡng đa thần, trong đó, các làng Chăm thường có một ngôi đền thờ thần hoàng có công lao gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng. Thần hoàng Po Haniim Par được các vua triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Định ban cho 05 sắc phong. Hằng năm, người dân tổ chức dâng lễ để thần phù hộ độ trì và cầu mong vụ mùa tươi tốt, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, cuộc sống người dân được hạnh phúc.

Vị thần hoàng Po Haniim Par của người Chăm

Đối với cộng đồng người Chăm thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, Po Haniim Par là một vị thần hoàng bảo vệ và che chở người dân, mang đến cuộc sống bình yên. Theo nguồn tài liệu “Văn hóa truyền thống làng Chăm Lạc Tánh” do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận công bố, Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành vào năm 2020 từ trang 114-119 có ghi nhận, các vị vua triều Nguyễn từ Minh Mạng (năm 1824), Thiệu Trị (năm 1843), Tự Đức (năm 1849), Khải Định (năm 1917) đã ban 05 sắc phong cho vị thần hoàng Po Haniim Par.

Sắc mệnh chi bảo Minh Mạng năm thứ 5, ngày 11/2 Âm lịch (ngày 11/3/1824): Sắc cho thần “ Niêm Băn Phiên Dương”, thần đã có công lao to lớn về dựng nước cứu dân, được dân lành phụng thờ. Nay thừa lệnh của đức thế tổ Cao Hoàng đế thống nhất giang sơn (từ hải đảo đến miền núi) được thần nhân giúp đỡ. Nay ta được sự soi sáng bởi sự nghiệp lớn lao, ta luôn luôn nghĩ đến công ân của thần tỏ bày hiệu lệnh, nên ban tặng thêm trật: “Quảng Tế chi thần”. Chuẩn cho sở (xứ) Phố Hài, trấn Thuận Thành, theo thường lệ phụng thờ ngài để tương tá phù hộ dân lành bình an vô sự. Kính vậy thay!

Sắc mệnh chi bảo Khải Định năm thứ 2, ngày 18/3 Âm lịch (ngày 08/5/1917): Sắc cho Sách Man, xã Dụ, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, trước đã phụng sự thờ thần bản xứ Thành hoàng giữ nước giúp dân bày tỏ công đức đối với Nhân dân linh ứng xưa nay. Nay ta được soi sáng bởi sự nghiệp lớn lao, trẫm luôn luôn nghĩ đến công ân của thần tỏ hiệu lệnh, nên trước phong làm Đôn Ngưng Dực bảo Trung Hưng tôn thần. Chuẩn cho thờ phụng thần, ta và bá tánh trông mong (ngõ hầu) thần giúp đỡ Nhân dân. Kính vậy thay!

Trong lễ hội Rija Nagar ở Ninh Thuận và Bình Thuận, Po Haniim Par có mâm lễ vật riêng, gồm: 01 đĩa cơm vun đầy, 01 con gà luộc đặt trên mâm cao. Khi thỉnh mời đến vị thần Po Haniim Par nhận lễ, ông Ka-ing thường lên đồng, cầm cây roi mây làm động tác cưỡi ngựa và nhảy vào đống lửa đang cháy để dập tắt. Với ý nghĩa, cái nắng nóng oi bức bị đánh tan, tống ôn những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ đi, cầu mong cho tiết trời mát mẻ đón cơn mưa đầu mùa cho người dân cày cấy.

Làng Chăm thị trấn Lạc Tánh tổ chức lễ cúng Po Haniim Par vào thượng tuần Trăng tháng 12 theo lịch Chăm tại địa phương. Nghi lễ cúng Po Haniim Par gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Chăm, địa điểm dâng lễ vật trên núi Ông nằm trong khu rừng đặc dụng của huyện Tánh Linh. Từ năm 1968, người Chăm đã xây dựng đền thờ trong làng thờ phụng Po Haniim Par. Tuy nhiên, khi có điều kiện kinh tế, người dân tổ chức hành hương lên núi Ông tạ lễ cho thần.

Nghi thức tắm và mặc y trang cho thần hoàng Po Haniim Par trên núi Ông

Những nghi lễ độc đáo cúng thần hoàng Po Haniim Par

Không gian thờ phụng Po Haniim Par tọa lạc trên núi Ông, giữa khu rừng nguyên sinh, xung quanh có rừng cây tre và các cây cổ thụ lớn. Di tích Po Haniim Par được xây dựng bằng những tảng đá xếp chồng lên nhau, cao khoảng 1,5m như một ngôi mộ. Các chức sắc: imâm, ka-ing, maduen, kadhar, pajau thực hiện dâng lễ vật gồm: dê, gà, rượu, trứng và trầu cau… Đầu tiên, là nghi lễ mở cửa đền, các chức sắc đứng trước ngôi mộ đá, đốt trầm, chắp tay trước ngực tấu trình xin phép dâng lễ vật cho thần. Các chức sắc thực hiện nghi thức tắm và mặc y trang cho thần, nước tắm cho thần được pha với cát lồi (aia amu) và quả chanh rừng (baoh kruec). Sau đó, các chức sắc Po Acar thực hiện nghi lễ Pamruai Apuei dưới sự hướng dẫn của ông Imâm, ngồi đối diện với mộ đá Po Haniim Par thực hiện nghi thức thánh tẩy làm thanh sạch cơ thể bằng khói trầm, xướng Kinh Koran bằng tiếng Ả Rập. Thực hiện nghi lễ Pamruai Apuei xong, các chức sắc dâng lễ vật gồm: rượu, trứng, trầu cau xin phép thực hiện nghi thức hiến tế con vật để cúng lễ. Trước khi cắt tiết con vật, người hiến tế đọc câu kinh để cầu mong linh hồn con vật hiến tế được siêu thoát. Người dân dâng lễ vật gồm: trứng, rượu, trầu cau, bánh ngọt, khăn đỏ và một cây roi mây với ước nguyện thần linh phù hộ độ trì, tai qua nạn khỏi, mùa màng tươi tốt, công việc làm ăn phát đạt, cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Tiếp đến, là một chuỗi nghi lễ Rija harei như: Rija harei lisei hop của người Raglai, Rija harei pabaiy, Rija harei buh kaong, Rija harei patei kamang và nghi lễ cúng Abu rieng.


Nghi lễ Rija herei lisei hop do người Raglai, Churu ở làng Trà Cựu, xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh cúng tạ lễ cho Po Haniim Par. Lễ vật gồm: một cặp gà luộc, cơm vun, canh gà, ngoài ra, còn có: rượu, trứng, trầu cau, bánh tét và ché rượu cần. Ông Kadhar khấn lễ mời các vị thần đấn nhận lễ và chứng giám, cầu mong mùa màng tươi tốt, cuộc sống được sung túc. Cộng đồng người Raglai, Churu và Kaho khấn cầu, vái lạy thần linh, cùng nhau múa mừng theo nhịp của tiếng kèn bầu kabot, trống ginăng, tiếng lục lạc và tiếng chiêng giữa núi rừng linh thiêng.


Nghi lễ Rija harei pabaiy là nghi lễ chính và quan trọng trong lễ cúng Po Haniim Par. Chủ lễ là ông Ka-ing và ông Maduen. Ông Maduen vỗ trống paranưng và hát những bài thánh ca, ca ngợi công đức của các vị thần linh; ông Ka-ing rót rượu, khấn mời thần linh về hưởng lễ vật và múa dâng lễ cho các vị thần trong tiếng nhạc của trống paranưng, kèn saranai, trống ginăng.

Rija harei buh kaong là nghi lễ “đeo vòng” cho trẻ em, cầu xin thần linh phù hộ độ trì cho những các đứa trẻ mau lớn, khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi, không bị ốm đau, bệnh tật. Những đứa trẻ được cha mẹ dẫn theo lên núi Ông để các chức sắc làm lễ đeo vòng. Mỗi gia đình làm lễ đeo vòng, dâng lễ vật gồm: một cặp gà luộc, cơm, canh, bánh trái, rượu trứng và trầu cau… Trước khi đeo, chiếc vòng làm bằng kim loại được các chức sắc làm phép, đeo vào chân, tay cho trẻ em.  

Nghi lễ Rija harei patei kamang thực hiện sau nghi lễ đeo vòng cho trẻ em nhằm mục đích tạ ơn các vị thần Po Haniim Par, Po Cei Khai Mâh Bingu và Po Nai. Trong lao động sản xuất và sinh hoạt đời thường khi gặp những điều bất an, người Chăm khấn cầu các vị phù hộ tai qua nạn khỏi, nên họ thường tạ ơn thần linh vào những dịp cúng lễ của cộng đồng. Thực hành nghi lễ Rija harei patei kamang là các chức sắc: Pajau và ông Kadhar. Lễ vật có trái dừa, chuối, hạt nổ, rượu, trứng và trầu cau. Ông Pajau khấn mời vị thần nào thì ông Kadhar hát về tiểu sự và công đức của vị thần đó. Lễ Rija harei patei kamang kết thúc, chức sắc và người dân tham gia dâng lễ cùng nhau múa xung quanh đền thờ. Các nhạc cụ: trống ginăng, kèn saranai, tiếng chiêng, lục lạc, kèn kabot, đàn kanyi mang đến một không gian âm nhạc linh thiêng.  

 Nghi lễ cúng Abu rieng là nghi lễ cuối trong chuỗi nghi lễ tại đền thờ Po Haniim Par. Lễ vật dâng cúng gồm: chuối, xôi và chè ngọt. Nhạc lễ có đàn kanyi của ông Kadhar cùng hòa tấu các nhạc cụ truyền thống của người Chăm du dương từ đêm khuya cho đến trời mờ sáng trong một không gian tôn nghiêm, huyền ảo.  

Trong nghi lễ cúng thần hoàng Po Haniim Par, không chỉ có cộng đồng người Chăm dâng lễ vật mà còn có sự tham gia của cộng đồng người Raglai, Churu và Kaho sinh sống ở Bình Thuận. Đây là một nét văn hóa độc đáo thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng dân tộc thiểu sổ trong tỉnh. Ngoài những sản vật của địa phương do người dân nuôi trồng để dâng lên thần linh, còn có các món ăn dân tộc như: cơm lam, rượu cần, bánh tét cặp, thịt dê, thịt gà cùng những điệu múa, làn điệu dân ca trên nền âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Mối liên hệ giữa người Chăm với các tộc người thông qua việc thực hành nghi lễ thờ thần hoàng Po Haniim Par tạo sự đoàn kết, găn bó giữa các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, đồng thời, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Nguồn: https://btgcp.gov.vn/

No comments:

Post a Comment

Gái xinh 1 Tieu de 2 Tieu de 4
Tieu de 4
Tieu de 4
Tieu de 5

QUẢNG CÁO DƯỚI BÀI VIẾT